Lịch sử hình thành Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công

Cổng chính của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam (Trung Quốc).

Võ phái Thiếu Lâm xuất phát từ Bồ Đề Đạt Ma, người đã truyền lại cho đời sau những trước tác như Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh và tương truyền là cả Cửu dương chân kinhCửu âm chân kinh cùng lời di huấn khích lệ môn đồ luyện tập trong sự sáng tạo không ngừng. Thiếu Lâm phái sau khi tổ sư viên tịch, qua nhiều đời đã được các sư tăng xiển dương, đúc kết và phát triển mạnh mẽ với những nguyên lý như "quyền thiền nhất thể", "từ bi bác ái", "dụng côn bất dụng thương" v.v. và dần trở thành sao bắc đẩu của các võ phái Trung Hoa. Tuy nhiên, sự súc tích, hàm dưỡng của các pho sách do tổ sư để lại đã khiến mỗi người một cách khai thác mãi không bao giờ hết, thậm chí nhiều người đã quá chú trọng luyện tập và giảng dạy thiên về những sở trường của bản thân. Từ đó đã nảy sinh nhiều võ công mới lạ không tránh khỏi có lúc rời xa những nguyên lý căn bản. Mạt kì đời Tống, Thiếu Lâm phái nổi lên phong trào sáng tạo mạnh mẽ chưa từng thấy, người người, nhà nhà đều tự nhận mình là môn đồ Thiếu Lâm và hệ thống mình luyện tập là của Thiếu Lâm. Các trưởng tràng Thiếu Lâm Tự lo buồn về sự "vật cùng tắc biến, tột đỉnh của hưng thịnh là báo hiệu của suy tàn" và bắt buộc phải ra tay cứu vãn tình thế.

Mùa thu năm 1333, vào đời vua Huệ Tông (Thuận Đế) nhà Nguyên, để chỉnh lý nội bộ Thiếu lâm phái đã phát triển vượt thoát ra ngoài tầm kiểm soát, Đại hội võ thuật Thiếu Lâm khai mở tại Tàng kinh các của Thiếu Lâm Tự. Chủ trì Đại hội là thiền sư phương trượng đời thứ 12 Nguyên Hạnh và 4 vị trưởng lão tiền bối trước đó đã ẩn cư trên 20 năm trong núi sâu. Đại hội cũng triệu tập được 700 trưởng tràng các chi nhánh, các tân môn, cựu môn, các quan nhân nguyên là môn đồ Thiếu Lâm ra xuất chánh. Mục đích của Đại hội là cảnh cáo các võ sư tự ý mở dạy bừa bãi công phu sở trường của mình, không sát với chương trình đã ấn định và tiêu chuẩn của Thiếu Lâm phái, đồng thời kì Đại hội cũng sửa lại một vài quy định đã lỗi thời.

Suốt hai tháng bàn cãi sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau, vào những ngày cuối của Đại hội các võ sư địa phương, các cao thủ đưa ra những môn tu luyện mới lạ từ sau ngày tổ sư viên tịch mà các môn này đã được các sư trưởng tiền nhân cứu xét và chấp nhận đặc cách vào danh sách võ công hậu bộ của Thiếu Lâm, không một lý do nào lại không được tu luyện nếu mình cảm thấy có sở trường ăn khớp với môn đó. Sau nửa tháng bế tắc không tìm được tiếng nói chung về hệ thống bài tập và những quy phạm mới nhằm điều chỉnh, thống nhất chương trình võ công Thiếu Lâm phái, thì Nguyên Nhiên tăng, bấy giờ là một môn đồ sơ đẳng của Thiếu Lâm phái, đưa ra ý kiến khởi đầu các môn đồ phải tập những võ công căn bản, sau đó tùy sở trường của từng người thì luyện tập các môn mình thấy phù hợp. Ý kiến được các sư trưởng và toàn thể Đại hội nhất trí thông qua.

Phía sau chùa Thiếu LâmTung Sơn tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).

Sau khi tổng kết, xem xét hàng ngàn phương pháp, cách thức, bí quyết tu luyện võ công (với khinh công, thủy công, nhuyễn công, ngạnh công, nội công, ngoại công v.v.) đã được các trường tràng, các chi nhánh và các cao thủ phát triển trên nền tảng võ học Thiếu Lâm phái, Đại hội đã tiến hành sắp xếp, phân loại, và tổng hợp thành 72 pho tuyệt kĩ với tên gọi Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công niên tuyệt kĩ.

72 tuyệt kĩ võ học Thiếu Lâm Tự đã bao quát toàn diện những hệ thống võ công từ nguyên khởi đến cả những thời điểm hoàng kim nhất của võ phái, và dù sau này có một thiên tài võ học tìm thêm được các công phu nào đó và tuyên bố rằng đó là một hệ thống chưa từng có, thì cũng vẫn có thể xếp vào một trong 72 môn loại đã được Đại hội ấn định vì chúng không thể ra ngoài hệ thống này. Tuy nhiên sau một thời gian nghiên cứu, 72 tuyệt chiêu đã được liệt vào nhóm "huyền thoại" huyễn hoặc, bị thổi phồng lên quá mức bình thường và nay trở thành một món chơi kém giá trị.